Description
Cá rô làm sạch còn đầu – Đóng túi hút chân không 1kg
Cá rô là một tên gọi thông dụng tại Việt Nam, dùng chung cho một số loài cá thuộc bộ cá vược, trong đó có nhiều loài thuộc về chi cá rô. Ở Việt Nam, thuật ngữ cá rô còn được hiểu là cá rô đồng, một loài cá phổ biến tại quốc gia này, người miền Tây thường phát âm cá rô chệch thành cá gô.
Chúng có thể sinh sống được ở tất cả những nơi có nước như ao, hồ, ruộng lúa, mương máng, hào, đầm, sông rạch… và có khả năng di cư từ ao hồ này sang ao hồ khác bằng cách vượt cạn (cá rô rạch), nhất là trong mùa mưa.
Thành phần dinh dưỡng
Trong 100g thịt cá rô có 74,2g nước, 19,1g protid, 5,5g lipid, 1,2g tro, 16,4mg canxi, 151,2mg photpho, 0,25mg sắt, 0,01 mg thiamin, 0,1ng riboflavin, 1,9 mg axít nicotinic… cung cấp 126 Kcal.
Các lợi ích sức khỏe
Cá rô đồng thịt có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ khí huyết, ích tỳ vị, rất tốt cho người khí huyết suy, cơ thể suy nhược, tỳ vị yếu, ăn uống không tiêu.
Cá rô có thể được xem là giúp bổ xương(khi chiên giòn, kho nhừ ăn cả xương lượng calcium sẽ rất cao), cá còn là nguồn giàu chất đạm, ít chất béo, rất tốt cho sức khỏe.
Cá rô còn được dùng trong dược học cổ truyền:
Dược học cổ truyền Trung Hoa và Việt Nam gọi cá rô là Quyết Ngư, hay Kế Ngư, Thạch Quế Ngư.
Thịt cá rô được xem là có tính bình, vị ngọt, không độc; có tác dụng bổ dược “hư lao”, ích cho tỳ vị, chữa được các chứng “tràng phong hạ huyết”, ích dược khí lực làm người dùng có cảm giác khỏe khoắn.
Mật cá rô hay Quyết Ngư đảm được dùng để trị hóc xương, trị dầm gai hay các loại gai hóc trong cổ họng (dùng mật khô, hòa với rượu, hớp rồi nhổ ra)
Chế biến
Thịt cá rô đồng vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa thơm, dai, béo mà không ngậy, dễ tiêu hóa, được nhiều người ưa thích. Từ cá rô người ta chế biến thành nhiều món ăn ngon như cá rô kho tương, cá rô nướng, cá rô rán giòn, cá rô thuôn hành răm, các loại canh cá rô, bún cá rô, miến cá rô…, món nào cũng hấp dẫn. Không chỉ ở nông thôn mà người dân ở đô thị cũng rất thích hương vị ngon thơm của các món ăn chế biến từ cá rô đồng, đặc biệt là món canh và miến cá rô.
-Cá rô kho tộ:
Từ món cá rô nướng ăn với đọt non nhãn lồng (lạc tiên), có hương vị đậm đà chất dân dã, đến món cá rô kho tộ với thịt ba chỉ, tất cả đã trở thành đặc sản tiêu biểu của món ăn Việt Nam. Người Việt nào xa quê lâu ngày mà chẳng nhớ da diết món cá rô kho tộ này!
Món ăn này có tác dụng bổ dưỡng khí huyết, mạnh gân cốt, ích tỳ vị, nhuận trường, an thần, rất tốt cho người suy nhược cơ thể, ăn uống kém, mất ngủ, suy nhược thần kinh, gân cốt yếu mỏi.
-Miến cá rô:
Để làm món miến cá rô, người ta chọn những con cá còn tươi, béo vàng, đánh vảy, cắt vây, mổ sạch, cho vào nồi luộc chín tới. Cá chín được vớt ra để nguội, lóc lấy thịt, rút hết xương sao cho thịt cá không vỡ, đem ướp với gia vị, rồi thả vào chảo dầu đang sôi. Khi vớt ra cá vàng và thơm rất quyến rũ. Phần đầu và xương cá còn lại được giã nhỏ, lọc lấy nước cốt để nấu nước dùng nấu miến. Món miến cá rô đồng ăn vừa mát vừa có hương vị ngon ngọt rất riêng, khó có món ăn nào sánh kịp.
Sau đây là những món canh cá rô ngon đồng thời là bài thuốc bổ dưỡng quý:
– Canh cá rô nấu với rau cải
Ngoài giá trị dinh dưỡng, các món canh cá rô đồng nói chung đều là những món ăn rất hấp dẫn, đồng thời là những bài thuốc bổ dưỡng khí huyết, lợi ích cho tỳ vị, thông dụng nhất là món canh cá rô nấu với rau cải gừng.
Vào những ngày cuối thu, trời se lạnh, ăn canh cá rô đồng nấu với cải và gừng thật ấm bụng và ngon miệng, điều quý hơn là món canh này còn có tác dụng bổ khí huyết, ích tỳ vị, tiêu thực, làm ra mồ hôi, giải độc rất tốt cho những người có khí huyết suy, cơ thể gầy yếu, ăn uống không tiêu, cảm lạnh, nôn mửa…
Cách làm như sau: lấy 0,5kg cá rô, làm sạch, ướp với ít muối, đem luộc chín rồi gỡ lấy thịt ướp với nước mắm ngon. Phần xương và đầu cá còn lại đem giã nhỏ, lọc lấy nước nấu chung với nước luộc cá.
Rau cải 1kg, cắt bỏ rễ, rửa sạch, cắt khúc ngắn. Củ gừng 20g, gọt vỏ, rửa sạch, đập dập, băm nhỏ. Đun sôi lại nước luộc cá nói trên, cho nước mắm, muối vừa đủ, rồi cho rau cải vào, đun sôi lại, sau đó đổ cá vào cho thêm gừng và gia vị vừa ăn. Múc ra bát to, ăn nóng với cơm.
– Canh cá rô nấu với rau rút
Bà con Nam bộ thường dùng món canh cá rô nấu với rau rút.
Rau rút, miền Nam gọi là rau nhút (tên khoa học Neptunia Oleracea) là loại rau mọc bò trên mặt nước, cọng non được bao bọc bởi một lớp phao trắng xốp.
Theo Đông y, rau rút có vị ngọt nhạt, tính hàn, có tác dụng bổ trung ích khí, làm dễ ngủ, mát dạ dày, bổ gân xương, nên món canh cá rô không chỉ là một món ăn ngon mà còn là bài thuốc tốt có tác dụng bổ dưỡng khí huyết mạnh gân cốt, ích tỳ vị, nhuận tràng, an thần, giải nhiệt, dùng cho những người cơ thể suy nhược, ăn uống kém, mất ngủ, suy nhược thần kinh, gân cốt yếu mỏi.
Cách làm như sau: lấy 300g cá rô đồng, cách làm cá và giã xương cá lọc lấy nước cũng như trên.
Rau rút 300g, bỏ rễ và lớp phao trắng bên ngoài, rửa sạch, cắt từng khúc 3-4cm. Đun sôi nước luộc cá, cho thịt vào, khi nước sôi lại sẽ cho rau rút. Canh chín cho mắm muối, gia vị vừa ăn, thêm ít tiêu và hành lá xắt nhỏ.
Một số món ăn – bài thuốc từ cá rô đồng:
Bài thuốc 1:
Nguyên liệu:
- Cá rô 200g, rau cải xanh 500g, gừng 1 nhánh nhỏ, gia vị vừa đủ.
Cách làm:
- Cá rô sơ chế sạch, đánh sạch vảy, khía bụng, bỏ ruột, bỏ mang rồi rửa sạch nhớt.
- Đun sôi nước, cho cá rô đồng vào luộc cùng với gừng. Khi cá chín thì vớt ra, gỡ lấy thịt, ướp gia vị. Phần xương cá giã hoặc xay nhuyễn, lọc lấy nước.
- Rau cải rửa sạch, cắt ngắn khoảng 1cm. Đun sôi nước cá, cho rau cải xanh, thịt cá vào nấu, khi canh sôi lại lần nữa, nêm gia vị là được. Ăn trong bữa cơm.
- Ăn thường xuyên món này rất tốt cho những người khí huyết suy, cơ thể gầy yếu, ăn uống không tiêu, cảm lạnh, nôn mửa. Những người đang bị sốt, ra nhiều mồ hôi không nên dùng.
Bài thuốc 2:
Nguyên liệu:
- Cá rô đồng 3 – 5 con, đậu xanh 100g, gạo tẻ 100g.
Cách làm:
- Cá rô luộc chín, gỡ lấy thịt, phi dầu hành và gia vị cho thơm. Gạo vo sạch nấu thành cháo, sau đó cho cá và gia vị vừa đủ, ăn nóng.
- Món cháo này rất tốt cho các trường hợp trẻ em nóng nhiệt chậm lớn.
Bài thuốc 3:
Nguyên liệu:
- Cá rô đồng 2 – 3 con làm sạch, lá lốt 30g rửa sạch, củ cải 100g thái lát, nghệ 1 – 2 lát, gia vị vừa đủ.
Cách làm:
- Cho tất cả vào nồi thêm nước xâm xấp, đun lửa nhỏ om đến khi nhừ. Ăn thường xuyên có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gút.
Bài thuốc 4:
Nguyên liệu:
- Cá rô đồng 3 – 5 con, rau má 150g.
Cách làm:
- Cá rô nướng gỡ lọc lấy thịt, xương cá giã nhuyễn lọc để lấy nước vừa đủ.
- Rau má rửa sạch, thái nhỏ.
- Đun sôi nước cá, cho rau má vào, thêm vài lát gừng và gia vị làm canh ăn.
- Món này có tác dụng thanh nhiệt, chữa ho có đờm vàng do phế nhiệt.
Bài thuốc 5:
Nguyên liệu:
- Cá rô 200g, rau nhút 200g.
Cách làm:
- Cá làm sạch, luộc chín, gỡ lấy thịt, ướp gia vị. Phần xương cá đem giã nhỏ, lọc lấy nước nấu chung với nước luộc cá.
- Rau nhút 300g, bỏ rễ và lớp phao trắng bên ngoài, rửa sạch, cắt khúc.
- Nấu nước cá sôi, cho thịt cá vào, đến khi sôi lại thì cho rau nhút vào, nêm gia vị, canh sôi lại là được. Ăn nóng trong bữa cơm.
- Món canh này có tác dụng bổ tỳ vị, trợ tiêu hóa, nhuận trường, an thần. Rất tốt cho người ăn ngủ kém, suy nhược thần kinh, táo bón…
Reviews
There are no reviews yet.